Trang chủẤn phẩm và quà tặng lưu niệm
Để sản phẩm quà tặng lưu niệm phát triển xứng với tiềm năng
Việc phát triển quà tặng lưu niệm không những có thể góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch mà còn tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế xã hội.... Tạo được dấu ấn của điểm đến, lưu lại ký ức cho khách hàng và cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương thông qua các sản phẩm lưu niệm, quà tặng chính là cách phát triển bền vững và đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch.
Vẫn còn tràn lan sản phẩm Trung Quốc
Sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn của điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời là công cụ quảng bá hình ảnh điểm đến. Tuy nhiên, trong bức tranh du lịch Việt Nam, phát triển các mặt hàng quà tặng, lưu niệm chưa đóng vai trò tương ứng với việc tạo dựng hình ảnh và kinh doanh thương mại.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch TS Trương Sỹ Vinh cho biết: Việt Nam sở hữu những tài nguyên du lịch đặc trưng với các kỳ quan thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long; 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu..., con số này trong kho tàng văn hóa và di sản của Việt Nam dự kiến sẽ còn tăng lên. Bên cạnh đó, theo thống kê của hiệp hội làng nghề Việt Nam, tính trên địa bàn cả nước hiện nay, Việt Nam có trên 10.000 lễ hội lớn nhỏ, hơn 40.000 di tích văn hóa, hơn 3.000 làng nghề, trong đó gần 400 làng nghề truyền thống thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gồm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt lụa, tranh dân gian, chạm khắc... Có thể nhận thấy, đây là những tiềm năng to lớn, cũng như thị trường lớn để phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm.
Trong những năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có những chương trình phát động khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm mang đặc trưng và in đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Ví dụ như Hà Nội có Hồ Gươm, Văn Miếu, Chùa Một Cột; Huế có kinh thành Huế, Đài lăng tẩm, Sông Hương,… Tuy nhiên, hiện nay, số lượng những sản phẩm lưu niệm có dấu ấn văn hóa mang thương hiệu Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách đặc biệt là khách quốc tế. Điều đó cũng ảnh hưởng tới việc xúc tiến quảng bá thương hiệu cho du lịch Việt Nam, chưa khẳng định được thế mạnh về sản phẩm quà tặng mang hồn cốt văn hóa Việt".
Bên cạnh đó, thị trường quà tặng Việt Nam vẫn còn tràn lan mặt hàng Trung Quốc, TS Trương Sỹ Vinh chia sẻ: "Nhìn chung, các mặt hàng lưu niệm, quà tặng ở các điểm đến tại Việt Nam có nhiều sự trùng lặp, đơn điệu, kém chất lượng, chưa phù hợp với giá cả. Bên cạnh những chương trình nhỏ lẻ được thực hiện chưa thực sự quy mô, cũng như chưa có kế hoạch dài hạn thì thị trường quà lưu niệm Việt Nam còn đang gặp phải một số vấn đề đó là: ở các chợ chuyên bán hàng lưu niệm, quà tặng và cũng là những nơi có rất đông khách du lịch quốc tế như chợ Bến Thành, chợ Đêm Hà Nội, chợ Đồng Xuân....tràn ngập hàng Trung Quốc.
Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chỉ đơn giản là những móc khóa; tượng trưng bày bằng gỗ, sứ; các sản phẩm phụ kiện như cà vạt, khăn quàng...thì nay, Trung Quốc sản xuất luôn các mặt hàng sơn mài, thủ công mỹ nghệ nhái theo sản phẩm của Việt Nam. Một điều đáng điểm hơn nữa là các chủ cửa hàng thay vì nhập hàng Việt Nam từ các làng nghề truyền thống thì nay lại chọn nhập hàng Trung Quốc nhái bởi đa dạng hơn và giá cả rẻ hơn nhiều".
"Đây là một vấn nạn lớn ở các địa điểm du lịch Việt Nam. Có lẽ, các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại điểm đến chưa nhận thức sâu sắc được vai trò to lớn của các mặt hàng nhỏ này đối với sự phát triển bền vững của điểm đến, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và quảng bá hình ảnh của điểm đến với các giá trị văn hóa lịch sử của Việt Nam" – TS Trương Sỹ Vinh nói.
Cần phát huy thế mạnh của từng địa phương
Trước thực trạng đó, để quà tặng du lịch, lưu niệm phát triển hơn trong năm 2024, TS Trương Sỹ Vinh cho rằng: Cần tạo ra môi trường thông thoáng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên tập trung xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm gắn với mục đích phát triển du lịch. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ về chất lượng, mẫu mã mà còn cần có những câu chuyện riêng liên quan đến từng sản phẩm. Thông tin rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm. Có như vậy mới tránh được sự trùng lặp, đồng thời tạo được giá trị gia tăng lớn hơn.
Ngoài ra, dựa trên thế mạnh đặc thù của từng vùng, miền, Chính quyền địa phương cần tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, bền vững từ các làng nghề thủ công truyền thống.
Cũng theo TS Trường Sỹ Vinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tại các điểm đến du lịch cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển các sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch. Nguồn nhân lực chủ yếu là nghệ nhân, thợ thủ công, người dân địa phương. Họ là những người am hiểu sâu sắc văn hóa địa phương cùng với đôi bàn tay tài hoa, họ sẽ là người truyền tải những nét đặc sắc nhất vào sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch. Vậy nên, họ cần được đào tạo bài bản về kiến thức cũng như kĩ năng trong việc phát triển các sản phẩm mang tính độc đáo, chuyên nghiệp hơn. Và cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên từ phía nhà nước để họ có động lực sáng tạo sản phẩm, lưu truyền nghề truyền thống.
Với sự phát triển của công nghệ số, đa dạng các trang thương mại điện tử, kênh phân phối sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch cần kết hợp cả thị trường truyền thống và thị trường trực tuyến để đảm bảo rằng các sản phẩm dễ dàng tiếp cận đối với các du khách, cho họ quyền lựa chọn với đa dạng sản phẩm. Cần quan tâm phát triển các hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua các hội thảo du lịch, hội chợ du lịch,... đưa ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt thường xuyên hơn.
"Đồng thời, chúng ta cần thực hiện khảo sát ý kiến của khách du lịch để xây dựng các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, bắt kịp xu hướng thị trường nhưng vẫn giữ bản sắc vùng miền, dân tộc và phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế, mà còn đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về an toàn, chất lượng, góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu của điểm đến. Việc sản xuất sản phẩm với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu cần hướng tới trong tương lai" – TS Trương Sỹ Vinh nói./.